Hiểu rõ về quy trình và chi phí phát hành trái phiếu
Phát hành trái phiếu là hình thức phổ biến trong các tổ chức hiện nay. Tuy vậy, không ít doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn, khúc mắc trong lần đầu phát hành trái phiếu. Cùng Finhay tìm hiểu rõ hơn về quy trình và chi phí phát hành trái phiếu nhé!
Thông tin về trái phiếu phát hành
Trước hết, hãy cùng Finhay đi vào một số khái niệm cơ bản liên quan đến phát hành trái phiếu. Nhờ vậy, bạn có thể hiểu rõ hơn và nắm bắt được những định nghĩa cơ bản xoay quanh việc phát hành trái phiếu.
Trái phiếu phát hành là gì?
Trái phiếu phát hành là một loại chứng chỉ ghi nợ. Trong đó, chứng nhận bên phát hành trái phiếu vay vốn có kỳ hạn của bên sở hữu trái phiếu. Mỗi trái phiếu phát hành ứng với một giá trị tiền bạc khác nhau và đi kèm với những điều khoản cam kết như lãi suất, kỳ hạn trả lãi, kỳ đáo hạn.
Theo đó, cứ đến kỳ hạn trả lãi, bên phát hành trái phiếu có nghĩa vụ thanh toán theo mức lãi suất như cam kết cho người sở hữu trái phiếu ban đầu, ở đây là các nhà đầu tư. Các loại trái phiếu phát hành trung hạn có thời gian kéo dài khoảng 1 đến 5 năm. Ngoài ra một số trái phiếu dài hạn có kỳ hạn trên 5 năm, có các loại trái phiếu kỳ hạn lên tới 15 – 20 năm.
Chủ thể phát hành trái phiếu là gì?
Hiện nay, chủ thể phát hành trái phiếu được chia làm 3 đối tượng khác nhau. Phổ biến nhất là doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đây cũng là loại trái phiếu được nhiều nhà đầu tư lựa chọn bỏ tiền vào. Ngoài ra, chủ thể phát hành trái phiếu còn có thể là Bộ tài chính.
Như vậy bên cạnh trái phiếu doanh nghiệp, chúng ta còn có trái phiếu chính phủ (công trái) được phát hành bởi Bộ Tài chính hoặc Bộ Tài chính ủy quyền cho kho bạc để tổ chức phát hành theo các thông tư quy định.
Phát hành trái phiếu để làm gì?
Phát hành trái phiếu là một hình thức đi vay vốn từ nhiều nhà đầu tư lớn nhỏ khác nhau. Như vậy, khi một doanh nghiệp, tổ chức hay chính phủ cần huy động vốn, họ sẽ tiến hành phát hành trái phiếu. Những người sở hữu trái phiếu, còn gọi là trái chủ, chính là người cho vay, là chủ nợ của các cơ quan phát hành trái phiếu.
Các bên phát hành trái phiếu, có nghĩa vụ thanh toán lãi định kỳ cho trái chủ và hoàn lại tiền vốn vay khi đến kỳ đáo hạn. Mặc dù trái chủ là những nhà đầu tư cho vay tiền, tuy nhiên họ không có quyền can thiệp vào các vấn đề nội bộ của công ty. Trong trường hợp các công ty, tổ chức gặp khó khăn đi đến giải thể, các công ty này buộc phải ưu tiên thanh toán các khoản nợ cho trái chủ trước, sau đó mới đến những nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu của công ty.
>> Trái phiếu chuyển đổi là gì? Phân tích lợi ích và rủi ro khi đầu tư trái phiếu chuyển đổi
Quy trình phát hành trái phiếu
Quy trình phát hành trái phiếu cần trải qua nhiều giai đoạn xây dựng phương án, xin ý kiến cũng như hoàn thiện quy trình. Trong bài viết này, Finhay tạm chia việc phát hành trái phiếu thành 3 giai đoạn chính, đó là:
- Xây dựng phương án và dự tính chi phí phát hành trái phiếu.
- Gửi thông báo và xin ý kiến từ Bộ Tài chính
- Nộp hồ sơ tới Ủy ban chứng khoán nhà nước.
Giai đoạn Xây dựng phương án và chi phí phát hành trái phiếu
Xây dựng phương án và dự tính chi phí phát hành trái phiếu, là một bước cần thiết và quan trọng để doanh nghiệp/ tổ chức có thể hình dung rõ ràng về kế hoạch phát hành, kêu gọi vốn và xoay vòng dòng tiền để có thể thực hiện việc trả lãi, hoàn trả gốc theo đúng tiến độ.
Phương án phát hành trái phiếu này của các doanh nghiệp cũng cần được trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trước khi phát hành và thông báo đến các nhà đầu tư có nhu cầu mua trái phiếu.
Nội dung của các phương án phát hành trái phiếu, phải thể hiện được đầy đủ các thông tin về ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần thể hiện được sơ bộ về tình hình tài chính, cũng như các kết quả hoạt động kinh doanh.
Về trái phiếu phát hành, cần nêu được rõ ràng mục đích, phương án sử dụng nguồn vốn. Đi kèm với đó là tính chất các loại hình trái phiếu phát hành như kỳ hạn, lãi suất, loại hình,…cũng như kế hoạch bố trí thanh toán lãi suất và tiền gốc của trái phiếu. Cuối cùng, không thể thiếu được các đầu mục cam kết giữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu đối với trái chủ, các nhà đầu tư.
Giai đoạn Gửi thông báo tới Bộ Tài Chính
Bởi đây là hoạt động tài chính của doanh nghiệp, nên khi thực hiện phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp, tổ chức buộc phải thực hiện thông báo tới Bộ Tài Chính.
Theo quy định, thông báo cần được gửi sớm trước thời điểm phát hành trái phiếu ít nhất là 3 ngày. Thông báo này, sẽ chính là căn cứ để Bộ Tài chính có thể tổng hợp và theo dõi tình hình phát hành trái phiếu theo đúng quy định của tổ chức.
Giai đoạn Nộp hồ sơ tới Ủy ban chứng khoán nhà nước
Giai đoạn 3 chỉ áp dụng với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty đại chúng – những công ty, tổ chức kêu gọi vốn rộng rãi trong cộng đồng thông qua các sàn chứng khoán.
Các công ty này, cần nộp hồ sơ đăng ký phát hành trái phiếu tới thẩm định tại Ủy ban chứng khoán nhà nước. Sau khi được thông qua và gửi xác nhận bằng văn bản, thì công ty/ tổ chức đại chúng mới đạt đủ điều kiện để phát hành trái phiếu.
Hồ sơ đăng ký phát hành trái phiếu gửi đến Ủy ban chứng khoán nhà nước cần bao gồm:
- Các phương án phát hành trái phiếu.
- Quyết định phê duyệt từ các cấp có thẩm quyền.
- Bên cạnh đó là các tài liệu, văn bản pháp lý chứng minh về điều kiện phát hành.
- Các hợp đồng bảo lãnh phát hành.
- Văn bản chứng minh các dự án sử dụng nguồn vốn đã được hoàn thành về các thủ tục đầu tư.
Như vậy, giai đoạn 3 chỉ áp dụng với các doanh nghiệp đại chúng, tuy nhiên đây là bước cần thiết để doanh nghiệp có thể bắt đầu phát hành trái phiếu và gọi vốn từ các nhà đầu tư.
Chi phí phát hành trái phiếu là gì?
Chi phí phát hành trái phiếu cũng là một vấn đề mà các tổ chức/ doanh nghiệp quan tâm, khi bắt đầu xây dựng quy trình phát hành trái phiếu. Các chi phí ở đây được chia làm 3 loại: Chi phí phát sinh một lần, các khoản phí thường niên và các chi phí phát sinh khác. Tất cả các chi phí này đều được quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định 53/2009/NĐ-CP.
Chi phí phát sinh một lần
Các khoản chi phí khi phát hành trái phiếu, mà các doanh nghiệp chỉ phải chi trả một lần là phí tư vấn phát hành trái phiếu, phí tư vấn bảo lãnh phát hành, phí trả cho các đại lý niêm yết, các sàn chứng khoán.
Bên cạnh đó còn có các khoản phí một lần như chi phí phát hành, quảng bá, chào bán, phí xác nhận hệ số tín nhiệm,… Tùy theo mức độ, quy mô và lĩnh vực của công ty mà mức chi phí cần phải chi trả là khác nhau. Tuy nhiên, đây cũng là khoản kinh phí không nhỏ mà các công ty cần dự trù và bỏ ra trong thời điểm ban đầu.
Các khoản phí thường niên
Các khoản phí thường niên trong giá phát hành trái phiếu chủ yếu là khoản tiền trả cho các đại lý tài chính, đại lý chuyển nhượng hay các sở giao dịch chứng khoán theo thỏa thuận từ ban đầu đã ký kết. Các khoản phí này thường giống nhau ở hầu hết các năm, bởi vậy các công ty hay tổ chức cũng có thể tính toán và dự trù ở thời điểm ban đầu.
Các khoản chi phí khác
Các chi phí khác bao gồm các khoản chi về việc phát hành hay trả nợ trái phiếu. Các khoản phí này được chi ra tùy từng thời điểm và cũng không có kỳ hạn nhất định. Tuy nhiên, đây là khoản chi phí mà bên phát hành trái phiếu cần thực hiện theo trách nhiệm đã cam kết với trái chủ, bởi vậy các tổ chức hay doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng cần quan tâm tới các chi phí này.
Với các kiến thức và chia sẻ về quy trình và chi phí phát hành trái phiếu trên đây, Finhay hy vọng đã hỗ trợ được các doanh nghiệp cũng như chủ doanh nghiệp trong vấn đề phát hành trái phiếu, kêu gọi vốn đầu tư. Chúc các bạn thành công.
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu