Thông tin chi tiết

Phần 7. Lựa chọn cổ phiếu để đầu tư

Trên thị trường đang có hàng ngàn mã cổ phiếu được niêm yết, làm sao để “khoanh vùng” các mã cổ phiếu để tìm hiểu, rồi sau đó là lựa chọn các mã để đầu tư?

Nếu bạn đang không biết bắt đầu từ đâu, dưới đây là một số gợi ý tham khảo.

1. Bắt đầu với cổ phiếu thuộc các nhóm chỉ số

  • VN30: Nhóm 30 cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE có giá trị vốn hóa và tính thanh khoản lớn nhất 
  • HNX30: 30 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX có giá trị vốn hóa lớn nhất và đạt yêu cầu về tính thanh khoản. 

Các mã cổ phiếu trong đây đều đại diện cho những doanh nghiệp lớn, đứng đầu nhiều lĩnh vực mà bạn có thể lựa chọn. Nhiều tên tuổi nổi trội trong các nhóm này có thể kể đến như: VIC (Vingroup), VNM (Vinamilk), FPT, MWG (Thế giới di động), BID (Ngân hàng BIDV),…

2. Bắt đầu tìm hiểu từ các nhóm ngành

Tìm hiểu các ngành kinh doanh giúp bạn có góc nhìn toàn diện về ngành đó trong thị trường và những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực đó. 

Một số nhóm ngành mà bạn có thể nghiên cứu: 

  • Ngân hàng: TCB (Techcombank), TPB (Tiên Phong Bank), CTG (Vietinbank), VCB (Vietcombank),…
  • Dầu khí: GAS (Tổng công ty dầu khi Việt Nam), POW (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam),…
  • Thép: HPG (Thép Hòa Phát), NKG (Thép Nam Kim),…
  • Chứng khoán: VND (Chứng khoán VNDirect), FTS (Chứng khoán FPT), SSI (Chứng khoán SSI),…
  • Các nhóm ngành khác: Du lịch, hàng không, thủy sản, xây dựng bán lẻ,…

Bạn cũng có thể bắt đầu tìm hiểu từ những nhóm ngành mà mình có thể mạnh và hiểu rõ rồi dần dần mở rộng phạm vi học hỏi. 

3. Tìm hiểu những thông tin nào và tìm hiểu ở đâu? 

Với nhóm ngành: 

  • Sự phát triển của ngành này dựa trên yếu tố nào
  • Kết quả hoạt động của ngành trong thời gian gần đây và tiềm năng trong tương lai
  • Những doanh nghiệp nào đang dẫn đầu ngành, có sự phát triển tốt,…

→ Nhóm ngành này có cơ hội phát triển trong thời gian tới không. Nếu có, những doanh nghiệp nào trong ngành tiềm năng để bạn đầu tư?

Ví dụ: Khi các đợt dịch Covid liên tục bùng phát trên diện rộng, lĩnh vực nào sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp/ ít bị ảnh hưởng? 

Bạn có thể tìm đọc những thông tin này tại Báo cáo ngành, các bài viết phân tích, nhận định tình hình của ngành đó trong một giai đoạn nhất định… Những thông tin này bạn sẽ tìm được trên các trang báo, website chuyên về kinh doanh, chứng khoán.

Với các công ty mà bạn quan tâm:

  • Ban lãnh đạo
  • Mô hình kinh doanh: Họ hoạt động trong ngành/lĩnh vực nào, kiếm tiền theo cách nào, sản phẩm/dịch vụ là gì, khách hàng của họ là ai 
  • Lợi thế cạnh tranh: ĐIều gì ở doanh nghiệp này khiến họ có thể phát triển bền vững, khiến khách hàng lựa chọn họ thay vì đối thủ, vị thế của công ty so với những doanh nghiệp khác cùng ngành,…
  • Các chỉ số tài chính: Thông tin về lịch sử giá cổ phiếu, doanh thu, lợi nhuận,… 

Những thông tin này bạn sẽ tìm được trên website chính thức của doanh nghiệp, các trang báo chuyên tổng hợp thông tin như Cafef, Vietstock,…

Trên đây là những thông tin cơ bản mà bạn có thể tìm đọc về các doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư. Tùy theo quan điểm đầu tư, bạn có thể nghiên cứu thêm về các phương pháp phân tích doanh nghiệp khác nhau như: Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật.

Lưu ý:

  • Các mã cổ phiếu và doanh nghiệp được đưa ra trong bài chỉ được dùng để làm ví dụ. Trong phần hướng dẫn này, Finhay không đưa ra khuyến nghị đầu tư cụ thể vào mã cố phiếu nào.
  • Dù đầu tư vào mã cổ phiếu nào, hãy đảm bảo bạn hiểu về doanh nghiệp mà mã cổ phiếu đó đại diện nhé.

Bài viết nổi bật
trong tuần

Tải App ngay để trải nghiệm Finhay

Scroll to top