Phần 2. Những điều cần biết khi tham gia thị trường chứng khoán
1. Sở giao dịch và sàn giao dịch
Sở giao dịch tạo ra các địa điểm và phương tiện để phục vụ việc mua bán chứng khoán.
Vai trò của sở GDCK là xây dựng và phát triển một thị trường chứng khoán có tổ chức, tự do, công minh cũng như đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Hiện nay, Việt Nam có sở GDCK TP. Hồ Chí Minh và sở GDCK TP. Hà Nội (Đây là 2 công ty con thuộc Sở GDCK Việt Nam – VNX).
Các sở giao dịch này sẽ quản lý các sàn chứng khoán. Trong đó có:
- Sàn HoSE: Được tổ chức và vận hành bởi sở GDCK Hồ Chí Minh
- Sàn HNX: Được tổ chức và vận hành bởi sở GDCK Hà Nội.
- Sàn UPCOM: Được tổ chức và vận hành bởi sở GDCK Hà Nội, nhưng giành riêng cho các công ty chưa được niêm yết.
Ngoài 3 sàn chứng khoán trên, còn có sàn OTC mà bạn có thể tìm hiểu sau.
2. Hoạt động niêm yết và mã chứng khoán
Niêm yết
Sau một thời gian hoạt động, các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán lên Sở GDCK. Nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, cổ phiếu của các doanh nghiệp sẽ được phép niêm yết trên sở và sau đó được giao dịch trên sàn chứng khoán.
Cụ thể: Doanh nghiệp có thể lựa chọn niêm yết trên HoSE hoặc HNX, tùy theo yêu cầu và tiêu chí. Mỗi sàn này đều có những điều kiện niêm yết khác nhau (Doanh nghiệp phải có số vốn điều lệ, thời gian hoạt động, lợi nhuận,… nhất định). Các công ty chưa đủ điều kiện niêm yết trên HOSE hay HNX vẫn có thể tham gia thị trường chứng khoán bằng cách lựa chọn lên sàn UPCOM.
Mã chứng khoán
Mỗi doanh nghiệp niêm yết trên sàn sẽ có một mã riêng, thường bao gồm 3 ký tự (dạng chữ cái/số) – là tên viết tắt của doanh nghiệp đó.
Ví dụ:
- Doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE
- VNM – CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk)
- FPT – CTCP FPT
- CTG – Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank)
- HT1 – CTCP Xi Măng Vicem Hà Tiên
- Doanh nghiệp niêm yết trên sàn HNX:
- BBS – CTCP VICEM Bao bì Bút Sơn
- BCC – CTCP Xi măng Bỉm Sơn
Khi tìm kiếm một doanh nghiệp để đầu tư, bạn có thể tìm bằng mã hoặc tên đầy đủ.
3. Công ty chứng khoán
Là trung gian giữa các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu và bạn – những nhà đầu tư cá nhân. Các công ty chứng khoán này sẽ giúp bạn một số việc như:
- Mở tài khoản chứng khoán
- Cung cấp công cụ phục vụ việc mua bán cổ phiếu: Để mua, bán cổ phiếu, bạn đặt lệnh thông qua website/ứng dụng (app) của các công ty này.
Ví dụ về một số công ty chứng khoán: Thiên Việt (TVS), VNDirect, SSI, VPS,…
Ngoài nhà đầu tư cá nhân thì thị trường chứng khoán còn có cả nhà đầu tư là tổ chức, doanh nghiệp (như công ty hoặc quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm,…) – Đây là những đơn vị thường xuyên mua bán chứng khoán với số lượng lớn.
4. Mua bán theo lô
- 100 cổ phiếu tạo thành 1 lô chẵn.
- Số lượng cổ phiếu từ 1 – 99 được gọi là lô lẻ.
Yêu cầu về số lượng cổ phiếu phải mua, bán trong một lần giao dịch có thể khác nhau, tùy vào từng sàn hoặc từng thời điểm.
Ví dụ: Hiện tại, sàn HOSE quy định số lượng cổ phiếu bạn phải mua/bán: Tối thiểu là 100 cổ phiếu/lần và phải là bội số của 100 (200, 300, 400,…).
Ví dụ:
Bạn muốn đầu tư vào Vinamilk, bạn sẽ cần tìm mã VNM và đặt lệnh mua tối thiểu 100 cổ phiếu. Giả sử, giá cổ phiếu VNM đang là 89.600đ/cổ.
Vậy số tiền bạn cần bỏ ra: 100 x 89.600đ = 8.960.000đ
Tại Finhay: Bạn có thể đặt lệnh mua, bán theo lô chẵn hoặc lẻ với số lượng tùy ý, bắt đầu chỉ từ 0,1 cổ phiếu.
Ví dụ:
Bạn có thể đặt mua với số lượng: 0,1; 2; 10, 30, 150, 250,…cổ phiếu – tùy theo mong muốn và số vốn bạn đang có.
5. Các loại thuế, phí khi giao dịch cổ phiếu
- Phí giao dịch: Phí mà công ty chứng khoán thu mỗi lần bạn mua hoặc bán cổ phiếu. Mỗi công ty sẽ quy định mức thu phí khác nhau, thường ở khoảng 0.1% – 0.2% của giá trị giao dịch (không được vượt quá 0.5%).
- Phí lưu ký chứng khoán:
- Lưu ký (lưu giữ, ký gửi): Khi bạn mua cổ phiếu thành công, sẽ có một đơn vị đứng ra nhận ký gửi, chuyển giao và ghi nhận sở hữu cổ phiếu trên hệ thống tài khoản, qua đó đảm bảo quyền và lợi ích của bạn. Đơn vị này là VSD – Trung tâm lưu ký chứng khoán
- Phí lưu ký: Phí nộp cho VSD để họ thực hiện công việc này.
- Mức phí hiện tại: 0.3 đồng/cổ phiếu/tháng.
- Thuế thu nhập cá nhân khi bán cổ phiểu: 0.1% (chỉ người bán phải chịu, người mua không phải chịu thuế này).
- Thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức (nếu có): 5%
- Phí rút tiền từ tài khoản chứng khoán về tài khoản ngân hàng: Được thu tùy theo chính sách của công ty chứng khoán và/hoặc ngân hàng thực hiện chuyển tiền.