Shark Hùng Anh lấy trọn 2 dự án gọi vốn nhờ lợi thế công nghệ
Trong tập 11 Shark Tank mùa 5 vừa qua, nhờ lợi thế công nghệ của mình, Shark Hùng Anh đã được nhiều Startup lựa chọn hợp tác dù mức đầu tư ông đưa ra không quá chênh lệch với các Shark còn lại. Điều này đã cho thấy nhu cầu cải tiến công nghệ đối với các đơn vị khởi nghiệp là cực kỳ quan trọng.
Startup dạy tiếng anh gọi vốn vì muốn được hỗ trợ chuyển đổi số
Anh Nguyễn Đình Hải và chị Trương Kiều Oanh là hai Founder của hệ thống Anh ngữ Á Châu. Đây là thương hiệu dạy tiếng anh nổi tiếng tại các quận vùng ven thành phố HCM. Cả hai tham gia Shark Tank với mục tiêu kêu gọi 100.000 USD để đổi 1% cổ phần công ty, mong muốn gọi vốn tối đa là 1 triệu USD.
Thương hiệu Á Châu đã có 15 năm thành lập và luôn hoạt động với phương châm “giáo dục từ tâm”. Hiện nay, thương hiệu này đã có hơn 20 chi nhánh và hơn 12.000 học viên đang theo học.
Sau đại dịch, Tiếng Anh Á Châu vẫn hoạt động ổn định và duy trì được 20 chi nhánh của mình. Hiện thương hiệu này đang hướng tới việc giúp đỡ trẻ em vùng ven, những trẻ em có điều kiện kinh tế khó khăn được học tiếng anh trong môi trường chuyên nghiệp.
Khi bước vào vòng gọi vốn, chị Trương Kiều Oanh thừa nhận rằng hệ thống của chị đang hoạt động trong một “đại dương đỏ” do có quá nhiều đối thủ cạnh tranh trong mảng giáo dục. Tuy nhiên, chị Oanh tin rằng Á Châu có thể tìm ra một “đại dương xanh“. Theo chị, hiện đang có khoảng 70% học viên trên thị trường có điều kiện kinh tế chưa tốt. Việc theo học các chương trình học phí cao với đối tượng này là tương đối khó khăn.
Theo Anh Nguyễn Đình Hải, trong năm 2019, Á Châu đạt doanh thu là 116 tỷ và lợi nhuận là 35 tỷ. Tuy nhiên, đến năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, Á Châu chỉ hoạt động được 9 tháng và có doanh thu đạt 88 tỷ, lợi nhuận đạt 13 tỷ.
Đến năm 2021, Á Châu đã chuyển sang mô hình học trực tuyến. Do ảnh hưởng của đại dịch nên doanh nghiệp này chỉ có doanh thu 41 tỷ và lợi nhuận âm 23 tỷ. Đến năm nay, trong 3 tháng gần nhất, Á Châu đã thu về doanh thu hơn 35,6 tỷ đồng và hơn 10,6 tỷ đồng lợi nhuận. Nếu giữ được tốc độ như hiện tại, doanh nghiệp này dự kiến có doanh thu và lợi nhuận của năm 2022 sẽ đạt lần lượt là 130 tỷ và 35 tỷ đồng.
Shark Hùng Anh đã đặt ra câu hỏi cho 2 Founder về mục đích kêu gọi vốn, vì theo ông, hiện Á Châu đang có lợi nhuận khá tốt. Trả lời câu hỏi của Shark Hùng Anh, chị Oanh cho biết, Á Châu muốn tận dụng nguồn vốn mới để mở rộng chi nhánh và đáp ứng các nhu cầu của học viên sau Covid-19. Á Châu cũng cần các Shark đồng hành để có thể chuyển đổi số.
Shark Erik Jonsson thắc mắc về phương pháp giảng dạy hiện tại của Á Châu. Chị Oanh cho biết, hiện Á Châu đang dùng phương pháp phản xạ toàn thân (Total Physical Response) để giảng dạy. Đây là phương pháp giúp học viên có thể học tiếng anh bằng cả mắt, tai và có thể nghe nói, phát triển toàn diện.
Chị Oanh cũng khẳng định, Á Châu đang có nhiều cơ hội để nâng cao biên lợi nhuận. Dù mức học phí của Á Châu đưa ra tương đối thấp nhưng do chi phí thuê mặt bằng tại các khu vực vùng ven không quá cao nên chi phí được tiết kiệm. Cùng với đó, tại 1 địa điểm, Á Châu có số lượng học viên khá lớn (khoảng 600 học viên), vì thế, đơn vị này có thể tận dụng được lợi thế quy mô trong kinh doanh.
Shark Hưng là “cá mập” đầu tiên đưa ra đề nghị đầu tư mức đề nghị là 10% cổ phần. Số tiền đầu tư sẽ được định giá sau khi thực hiện việc kiểm toán. Theo Shark Hưng, ông không chốt số tiền cụ thể vì Á Châu chưa thể đưa ra số vốn chủ sở hữu cụ thể ở thời điểm này. Shark Liên và Shark Erik từ chối đầu tư do cảm thấy chưa yên tâm về Startup.
Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 1 triệu USD để đổi 12% cổ phần hoặc 1,5 triệu USD cho 20% cổ phần. Shark Bình đề nghị đầu 1 triệu USD cho 11% cổ phần sau khi đặt ra câu hỏi về triết lý số liên quan đến lời hứa. Theo Shark Bình, ông đang đầu tư vào một Startup công nghệ cho trẻ em nên ông có kinh nghiệm trong việc triển khai chuỗi mảng giáo dục.
Sau thời gian hội ý, 2 Founder đã lựa chọn hợp tác với Shark Hùng Anh vì “Shark Hùng Anh chuyên về công nghệ. Á Châu đang rất cần chuyển đổi số trong tương lai để phát triển hơn nữa”. Shark Hùng Anh cũng quyết định rút Golden Ticket cho Startup.
Đầu tư vào nền tảng bất động sản proptech
Tập 11 Shark Tank mùa 5 chứng kiến sự xuất hiện của Startup Lê Minh Đức với nền tảng Proptech có tên là Remaps. Đây là nền tảng cung cấp cho người dùng tiện ích tìm kiếm bất động sản theo giấy chủ quyền, tham khảo giá nhà đất, theo dõi quy hoạch dự án. Đồng thời. Remaps cũng kết nối những người có nhu cầu mua và bán, các nhà môi giới. Nền tảng có số liệu thống kê rõ ràng giúp người dùng dễ dàng phân tích và nhận định.
Theo Startup Lê Minh Đức, hiện Remaps đang có thông tin của 17,5 triệu thửa đất ở 21 tỉnh/thành phố. Để tra cứu, người dùng chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm, kết quả sẽ được trả về trong vòng 30 giây.
Sau 2 năm hoạt động, hiện nay Remaps đã có hơn 1,2 triệu người dùng và 110.000 người đăng ký. Theo Similarweb, Remaps hiện đang là nền tảng Bất động sản đứng thứ 6 tại Việt Nam. Lượng người truy cập hàng ngày của nền tảng này vào khoảng 6 – 10 nghìn người.
Startup Lê Minh Đức kêu gọi đầu tư 1 triệu USD cho 20% cổ phần tại Remaps. Trong đó, 60% sẽ được sử dụng cho hoạt động truyền thông, 40% còn lại được dùng cho việc cải thiện sản phẩm, chẳng hạn như cải thiện tốc độ/trải nghiệm người dùng và mở rộng hệ thống dữ liệu.
Shark Hưng đã đưa ra câu hỏi liên quan đến tính năng của nền tảng và khả năng cập nhật các thông tin quy hoạch, tính pháp lý của các thông tin. Shark Hùng Anh có thắc mắc về dự tính thời gian đạt doanh thu đáng kể của dự án này.
Theo anh Đức, Remaps đang cập nhật các bản đồ theo quy hoạch đất. Sau khi có bản quy hoạch, chỉ sau 4 – 8 tiếng, dữ liệu sẽ được cập nhật trên hệ thống. Các thông tin của Remaps đều được lấy từ các nguồn công khai. Người bán chỉ cần đúng thông số bất động sản là có thể đăng tin trên nền tảng, không cần xác nhận chính chủ/được uỷ quyền.
Đối với việc kiểm soát thông tin, anh Founder của dự án: “khi tạo cộng đồng sẽ có các khuyến cáo riêng. Người dùng tự vẽ được thì bên em sẽ kiểm soát được chuyện đó. Thời gian Remaps làm được trong vòng 24 tiếng”.
Theo Minh Đức, doanh thu lớn nhất của nền tảng này sẽ đến từ quảng cáo. Tuy nhiên, trước tiên, Remaps sẽ tập trung tạo ra sản phẩm tốt trước chứ chưa tập trung vào việc kiếm tiền. Vì theo Startup, muốn quảng cáo được thì phải xây dựng được một cộng đồng đủ lớn.
Shark Hùng Anh cho biết ông nhận thấy sản phẩm của Startup là một sản phẩm tốt nên ông đề nghị đầu tư tối thiểu là 10 tỷ đồng cho tối đa 40% cổ phần. Shark Bình ngỏ ý tham gia hỗ trợ Startup nếu được Shark Hùng Anh mời.
Shark Liên, Shark Hưng, Shark Erik đều từ chối đầu tư vì chưa cảm thấy an tâm với dự án. Cuối cùng, Startup chấp nhận đầu tư của Shark Hùng Anh.