Bản tin thị trường ngày 27/05: VN-Index tăng phiên thứ tư liên tiếp, dòng tiền tập trung vào cổ phiếu Diamond
Sau khi chững lại đà tăng, VN-Index tiếp tục cho thấy những dấu hiệu phục hồi khi tăng gần 17 điểm trong phiên giao dịch hôm nay. Đây là phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp của VN-Index. Dòng tiền đã tăng trở lại và tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu Diamond.
VN-Index tăng phiên thứ 4 liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/05, VN-Index tăng 16,88 điểm, đạt 1.285,45 điểm. Chỉ số VN30-Index cũng tăng 26,18 điểm, tương ứng với mức tăng 2%, đạt 1.335,68 điểm. Đây là phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp của VN-Index. Toàn thị trường có 308 mã tăng, trong đó có 15 mã tăng trần. Riêng nhóm VN30 có 29 mã tăng điểm và chỉ có duy nhất STB mất điểm với mức giảm 0,7%.
Nhóm cổ phiếu Diamond ETF có phiên giao dịch bứt phá ấn tượng trong ngày 27/05. Đà bứt phá của Diamond ETF đã lan toả ra nhóm vốn hoá lớn và sau đó lan toả ra toàn thị trường. Nổi bật nhất là FPT và MWG với mức tăng lần lượt là 5,9% và 5,5%. Đây cũng là 2 mã có mức tăng mạnh nhất trong nhóm VN30.
Nhóm cổ phiếu bán lẻ và công nghệ thông tin có mức tăng cao nhất. Cổ phiếu ngân hàng cũng có phiên giao dịch tốt nhờ các thông tin tích cực trong thời gian gần đây, tăng gần 2%. Trong đó, ACB có mức tăng ấn tượng nhất (4,8%). Đây cũng là một trong những mã cổ phiếu tác động tích cực, trở thành trụ đỡ của thị trường. Bên cạnh đó, TCB, TPB cũng tăng hơn 2%.
Ở chiều ngược lại, nhóm sản xuất thiết bị và cao su lại mất điểm. Tuy nhiên, mức giảm của các mã cổ phiếu trong nhóm này không quá nhiều, không ảnh hưởng lớn tới đà tăng của thị trường.
Thanh khoản đã tăng trở lại. So với phiên giao dịch trước đó, thanh khoản của thị trường tăng 15%, đạt 18.631 tỷ đồng. Đây là một dấu hiệu tích cực, giúp các nhà đầu tư giải toả tâm lý sau các phiên rớt điểm của VN-Index.
Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 124 tỷ đồng. Cụ thể, khối ngoại mua vào 1.358 tỷ đồng và bán ra 1.234 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND tiếp tục được mua ròng nhiều nhất (+122.53 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, DGC và NKG bị các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều nhất, lần lượt là -89,69 tỷ đồng và -70,63 tỷ đồng.
Điểm tin thị trường
- 3 cổ phiếu thuộc nhóm FLC là FLC, HAI và ROS vừa bị đưa vào diện hạn chế giao dịch trên HOSE. 3 mã cổ phiếu này bị cấm giao dịch trong phiên sáng, bắt đầu từ ngày 1/6 do quá 45 ngày nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Các mã cổ phiếu này sẽ chỉ được giao dịch trong phiên chiều, theo hình thức khớp lệnh và thoả thuận.
- CTCP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương (API) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong tháng 4 vừa qua. Cụ thể, doanh nghiệp này có doanh thu 105 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 25 tỷ đồng, tăng 2,5 lần cùng kỳ so với năm 2021.
- HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai đã thông qua nghị quyết về việc thành lập công ty con có tên là CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai, hoạt động trong lĩnh vực bán buôn thực phẩm. Bapi HAGL có vốn điều lệ là 50 tỷ đồng. Trong đó, HAG góp 55% vốn điều lệ, tương ứng với 27,5 tỷ đồng.
- Sở giao dịch chứng khoán TPHCM đã chấp thuận phương án cho CTCP FPT niêm yết bổ sung hơn 6,6 triệu cổ phiếu, thời gian niêm yết bắt đầu từ ngày 30/5. Sau khi niêm yết bổ sung, số lượng cổ phiếu của FPT sẽ tăng từ 907,6 triệu lên 914,2 triệu cổ phiếu.
- Sau quý I, tổng nợ của CTCP Bamboo Capital (BCG) đã vượt 15.000 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm 2022. Trong năm 2022, Bamboo Capital dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thông qua nhiều phương thức, trong đó có việc phát hành thêm cổ phiếu nhằm giảm hệ số nợ vay vốn/vốn điều lệ.
- Trong thời gian từ ngày 20/5- 26/5, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh – Ông Vũ Ngọc Hoàng đã mua thành công 3,8 triệu cổ phiếu KPF. Như vậy, sau thương vụ này, ông Hoàng đã nắm 6,28% vốn tại KPF.
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu