Bản tin thị trường ngày 13/06: sắc đỏ áp đảo, VN-Index giảm hơn 57 điểm
Tương tự như diễn biến của nhiều thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, chứng khoán Việt Nam đã có một phiên giao dịch đỏ lửa. Áp lực bán tăng cao đã khiến VN-Index mất hơn 57 điểm, nhiều mã cổ phiếu nằm sàn, thị trường có một phiên giao dịch tiêu cực.
Sắc đỏ áp đảo trên thị trường
Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần mới với một phiên giao dịch ngập tràn sắc đỏ. VN-Index mất điểm ngay từ đầu phiên giao dịch do áp lực bán tháo. Đà giảm được duy trì trong suốt cả ngày. Khi thị trường đóng cửa, VN-Index mất 57,04 điểm, còn 1.227,04 điểm. Trên HOSE có 458 mã cổ phiếu mất điểm, trong đó có tới 163 mã giảm sàn.
Chỉ số VN30-Index cũng mất hơn 4,89%, còn 1.260,85 điểm. Nhóm VN30 chỉ có duy nhất POW giữ được sắc xanh (+1,7%). Tuy nhiên, do có vốn hoá nhỏ nên POW không thể giúp VN30-Index tránh được một phiên mất điểm mạnh.
Ở chiều ngược lại, có tới 29 mã giảm điểm và 7 mã giảm sàn. Các mã giảm hết biên độ bao gồm BVH, CTG, GVR, PNJ, SSI, TCB, TPB. Các mã cổ phiếu khác trong nhóm VN30 cũng giảm sâu như MSN, MBB, MWG, PLX mất hơn 6,5%, các mã cổ phiếu ngân hàng như STB, ACB, HDB, BID cũng mất hơn 5%.
Độ rộng của thị trường nghiêng hẳn về phía bên bán. Các nhóm trụ cột của thị trường như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng đều giảm sâu. Ở nhóm bất động sản, các mã cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư quan tâm như ITA, CII, NBB, DIG, CEO…đều giảm chạm sàn. Các mã cổ phiếu dầu khí, phân bón cũng không giữ được đà tăng và giảm gần hết biên độ.
Việc chứng khoán giảm mạnh, cổ phiếu nằm sàn la liệt khiến các nhà đầu tư hoang mang. Mặc dù chỉ số VN-Index vẫn chưa về mức đáy thấp nhất (1.203,51 điểm – hồi đầu tháng 5), nhưng thị trường cũng đã chịu áp lực bán tháo mạnh. Lệnh bán đẩy liên tục khiến nhiều mã cổ phiếu giảm hết biên độ, trong trạng thái trắng bảng bên mua.
Khối lượng giao dịch trên HOSE đạt hơn 18.500 tỷ đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại bán ròng. Trong đó, chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng nhiều nhất (-245,16 tỷ đồng).
Đà giảm của VN-Index cũng nằm trong xu hướng giảm của chứng khoán thế giới. Cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ có phiên lao dốc trước những thông tin tiêu cực về tình hình lạm phát, chỉ số DJIA mất hơn 2,7%, S&P 500 mất hơn 3%.
Tại châu Á, các thị trường chủ chốt cũng không thể tránh được một phiên mất điểm. Chỉ số Nikkei 225 giảm gần 3%, chỉ số Kospi mất gần 4%, các chỉ số của sàn chứng khoán Thượng Hải cũng ở mức tham chiếu.
Điểm tin thị trường
- CTCP Thiết bị điện Thibidi (THI) đã hoàn tất việc chuyển nhượng 6.120.000 cổ phiếu của CTCP Sản xuất thiết bị điện Đông Anh cho Gelex. Số cổ phiếu này tương đương với 51% cổ phần tại CTCP Sản xuất thiết bị điện Đông Anh. Sau khi việc chuyển nhượng hoàn tất, Thibidi không còn sở hữu cổ phần tại tại Thiết bị điện Đông Anh nữa.
- Ông Phùng Chí Công – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư sản xuất và thương mại HCD đã hoàn tất việc mua 2 triệu cổ phiếu HCD theo hình thức khớp lệnh. Thời gian giao dịch diễn ra từ ngày 1/5 – 10/6. Sau khi giao dịch thành công, ông Công đã trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 6,33%.
- CTCP Gỗ An Cường (ACG) đã thông qua việc chia cổ tức. Doanh nghiệp này dự kiến sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% trong tháng 7. Ngoài ra, Gỗ An Cường cũng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 50%. Ở 1 diễn biến khác, ACG đã góp 500 tỷ đồng vào Thắng Lợi Group, nắm giữa 13% cổ phần của tập đoàn này.
- CTCP Xây dựng Hạ tầng CII (CEE) vừa bị Uỷ ban Chứng khoán nhà nước huỷ tư cách công ty đại chúng kể từ ngày 26/04. Đồng thời, CII sẽ bị huỷ hơn 39,5 triệu cổ phiếu đang niêm yết tại HOSE. Nguyên nhân khiến CEE bị huỷ tư cách công ty đại chúng là do cơ cấu cổ đông của công ty này không đáp ứng các điều kiện quy định.
- CTCP Sông Đà 3 (SD3) đã công bố tài liệu họp HĐCĐ thường niên năm 2022. Trong đó, SD3 đặt mục tiêu doanh thu 247 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2,4 tỷ đồng. Đây là kế hoạch chuyển lỗ thành lãi của SD3, vì trong năm 2021, doanh nghiệp này đã lỗ hơn 56 tỷ đồng.
- CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (RAL) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2022. Theo tài liệu được công bố, RAL có doanh thu đạt 5.709,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 398,2 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu