Mô hình CAPM là gì? Công thức tính, ưu nhược điểm và ứng dụng trong chứng khoán
Trong chứng khoán, việc đánh giá tính thanh khoản và mức lợi nhuận kỳ vọng của cổ phiếu tác động rất lớn đến quyết định đầu tư của mỗi người. Vì thế, các công cụ hỗ trợ, những chỉ số kinh tế hay mô hình định giá thường được áp dụng khi phân tích.
Trong đó, mô hình CAPM được sử dụng khá phổ biến. Vậy mô hình CAPM là gì? Cách tính và cách áp dụng thế nào? Cùng Finhay tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
CAPM là gì?
CAPM là viết tắt của cụm từ Capital Asset Pricing Model. Đây là mô hình định giá thể hiện mối quan hệ giữa lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro hệ thống của một tài sản cụ thể. CAPM rất phổ biến trên thế giới và được sử dụng chủ yếu trong việc phân tích đánh giá. Đặc biệt là đối với thị trường chứng khoán.
Capital Asset Pricing Model được phát triển bởi ba nhà kinh tế học hàng đầu William Sharpe, Jack Treynor và John Lintner. Mô hình này là công cụ đánh giá tài sản, giúp nhà đầu tư xác định được lợi tức kỳ vọng của khoản đầu tư cụ thể.
Thực tế, trong mọi loại hình đầu tư đều tồn tại rủi ro, dựa vào CAPM, nhà đầu tư có thể hiểu được mức lợi nhuận mà họ có thể mong đợi dựa trên mức độ rủi ro giả định.
Những giả định về mô hình CAPM
Vào những năm 1960, từ thắc mắc về việc rủi ro sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận, nhà kinh tế học William Sharpe nghiên cứu và đặt nền móng cho mô hình CAPM lần đầu tiên. Theo ông, trong đầu tư, có 2 dạng rủi ro chính:
- Rủi ro hệ thống: Rủi ro từ thị trường tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Các yếu tố ảnh hưởng như lạm phát, lãi suất, suy thoái, chiến tranh, thiên tai,… Lúc này, mọi loại tài sản đầu tư đều bị tác động.
- Rủi ro phi hệ thống: Là dạng rủi ro cụ thể dành riêng cho từng loại tài sản. Dạng rủi ro này có thể là từ tình hình hoạt động bất ổn của doanh nghiệp tác động đến giá cổ phiếu, một vài thông tin không tốt về ban lãnh đạo doanh nghiệp, …
Nhà đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro phi hệ thống bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư. Nhưng với loại đầu tiên, rất khó có thể giải quyết theo cách làm tương tự. Chính vì điều đó, mô hình CAPM ra đời giúp đo lường rủi ro hệ thống, tác động của nó đối với giá trị tài sản. Từ đó, chúng ta có thể ước tính giá trị tài sản hợp lý, tìm được mối quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng.
Những giả định được sử dụng sẽ bao gồm:
- Mức e ngại rủi ro của nhà đầu tư: Bạn đòi hỏi lợi nhuận kỳ vọng cao hơn sẽ phải chấp nhận mức rủi ro lớn hơn và ngược lại. Dựa vào điều này, nhà đầu tư có thể xây dựng một danh mục đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình.
- Giả định thị trường hoàn hảo: Không có các yếu tố như phí giao dịch, thuế, được vay và cho vay với mức lãi suất phi rủi ro, được phép bán khống.
- Kế hoạch nắm giữ tài sản trong một kỳ tại cùng một khoản thời gian: CAPM chỉ sử dụng trong một giai đoạn cụ thể, mọi quyết định của nhà đầu tư được thực hiện toàn bộ trong giai đoạn đó.
- Mọi nhà đầu tư có cùng kỳ vọng về một cơ hội đầu tư.
- Các khoản đầu tư có thể chia nhỏ một cách vô hạn: CAPM sẽ được biểu diễn dưới các hàm liên tục thay vì rời rạc, điều này tạo sự thuận tiện khi chạy mô hình, đồng thời kết quả cũng không tác động đáng kể đến kết luận chung.
- Giả định không có nhà đầu tư nào lớn đến nỗi có thể ảnh hướng giá của chứng khoán trên thị trường. Mọi nhà đầu tư đều được tiếp nhận nguồn thông tin y như nhau.
Công thức tính CAPM
Trong chứng khoán, công thức tính của mô hình CAPM là tổng của lợi tức không có rủi ro và phần bù rủi ro. Trong đó, phần bù rủi ro chính là khoản bồi thường của nhà đầu tư nếu chấp nhận rủi ro khi hệ thống không thể đa dạng hóa được, lúc này tỷ suất sinh lợi sẽ lớn hơn lãi suất phi rủi ro. Công thức tính toán cụ thể là:
Re = Rf + [Beta x (Rm – Rf)]
- Re là lợi tức kỳ vọng trên tài sản cụ thể. Mức này sẽ là kỳ vọng của riêng nhà đầu tư hoặc dựa trên dữ liệu lịch sử của các chỉ số cụ thể, ví dụ như S&P500.
- Rf là mức lãi suất phi rủi ro. Đây là loại lãi suất mà rủi ro gần như bằng 0. Tại các nước Châu ÂU, chứng khoán kho bạc Hoa Kỳ được sử dụng để đại diện cho mức lãi suất phi rủi ro. Ngoài ra, Rf cũng thường được lấy dựa trên lãi suất trái phiếu kho bạc chính phủ 10 năm.
- Rm là lợi tức từ thị trường hoặc mức lợi nhuận trên một chỉ số kinh tế có thể so sánh.
- Beta là độ nhạy của chứng khoán trước sự thay đổi của thị trường. Beta = 1 nghĩa là rủi ro bằng mức trung bình thị trường. Beta > 1 là khi rủi ro cao hơn mức trung bình thị trường. Beta <1 là mức rủi ro thấp hơn mức trung bình của thị trường.
Theo công thức, phần bù rủi ro chính là phần Rm – Rf, còn Beta được hiểu thước đo sự biến động thị trường, thể hiện cổ phiếu đang biến động ít hay nhiều hơn thị trường.
Ví dụ về mô hình CAPM
Giả sử trong danh mục đầu tư của bạn sở hữu cổ phiếu A và B với hệ số rủi ro lần lượt là 1.5 – 0.7. Giả định mức lợi nhuận phi rủi ro là 7%, lợi nhuận danh mục thị trường thực tế là 13.4%, tỷ trọng 2 cổ phiếu trong danh mục bằng nhau, nếu áp dụng CAPM, lợi nhuận kỳ vọng được xác định:
ER (Cổ phiếu A) = 7+ 1.5 * (13.4 – 7) = 16.6%
ER (Cổ phiếu B) = 7 + 0.7 * (13.4 – 7)= 11.48%
Tỷ suất lợi nhuận của danh mục = 0.5 * (16.6+11.48) = 14.04%
Có thể thấy, chỉ dựa vào CAPM nhà đầu tư có thể xác định được mức lợi nhuận kỳ vọng cụ thể đối với danh mục đầu tư này. Ngoài ra, các con số tính toán ở trên còn được dùng như một tỷ lệ chiết khấu giúp xác định giá trị hiện tại của dòng tiền từ tương lai.
Giả sử nếu giá cổ phiếu A đang là 20.000 đồng và giá trị hiện tại của dòng tiền trong tương lai dùng tỷ lệ là 16.6% ⇒ cổ phiếu A đang được định giá tương đối. Nếu giá trị hiện tại nhỏ hơn 20.000 đồng, cổ phiếu A đang bị định giá rẻ. Từ đó, bạn sẽ có được kế hoạch điều chỉnh mua hoặc bán để thay đổi danh mục đầu tư, tăng tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng cao hơn.
Đánh giá mô hình CAPM
Ưu điểm khi áp dụng mô hình CAPM
CAPM đã được sử dụng rất nhiều trên toàn thế giới nhờ những ưu điểm nổi bật. Đây được đánh giá là công cụ đắc lực, hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình lựa chọn cổ phiếu:
- CAPM dễ áp dụng, bản chất mô hình là một công thức tính toán nên người dùng dễ hiểu và sử dụng.
- CAPM không giới hạn một danh mục đầu tư cụ thể: Giả định của CAPM là nhà đầu tư có một danh mục đa dạng với mọi loại khẩu vị rủi ro khác nhau.
- CAPM không bỏ qua yếu tố thị trường, cụ thể như mức độ rủi ro, mức lợi nhuận thực tế của danh mục đầu tư, …
Nhược điểm mô hình CAPM
Có 2 hạn chế lớn khi sử dụng mô hình CAPM mà nhà đầu tư cần nắm:
Hạn chế về mặt lý thuyết
- Đây là mô hình một yếu tố: Tập trung duy nhất vào rủi ro hệ thống khi định giá, trong khi những khoản đầu tư có sự biến động do chịu ảnh hưởng của nhiều loại rủi ro khác.
- CAPM là mô hình giai đoạn: Do vậy, CAPM không thể xem xét tác động trong các kỳ tiếp theo cũng như nắm bắt mục tiêu đầu tư của những giai đoạn trong tương lai.
Hạn chế về mặt ứng dụng mô hình
- CAPM được sử dụng cho danh mục đầu tư gồm tất cả các loại tài sản, kể cả những loại không thể đầu tư như nguồn vốn con người, tài sản khi nền kinh tế đóng.
- CAPM sẽ không còn đúng nếu nhà đầu tư thực hiện ủy thác đầu tư, việc đầu tư dưới góc độ của nhiều nhà phân tích, tại nhiều quốc gia khác nhau sẽ tạo ra kỳ vọng lợi nhuận khác nhau cho cùng một tài sản. Điều này trái với giả định của mô hình.
- Hệ số Beta chỉ là ước tính: Để tính được hệ số này cần nguồn dữ liệu về lợi nhuận ít nhất 3 năm, trong khi CAPM lại là mô hình giai đoạn nên Beta sẽ không thể chính xác. Beta 3 năm sẽ khác 5 năm, Beta ước tính từ lợi nhuận hằng ngày cũng khác với Beta ước tính từ tiền lãi hàng tháng. Như vậy, cùng một tài sản mà mức Beta có thể khác nhau, từ đó kết quả tính của mô hình cũng thay đổi.
Có rất nhiều chỉ trích về mô hình CAPM do sự mơ hồ của dữ liệu khi tính toán. Các yếu tố như lợi nhuận kỳ vọng, lãi suất phi rủi ro, hệ số Beta, … đều sẽ biến động theo thị trường, có yếu tố là do chủ quan của nhà đầu tư, ngay cả khi chúng ta sử dụng dữ liệu thực tế từ thị trường thì kết quả tính cũng không đảm bảo rằng giai đoạn này thị trường sẽ hoạt động tương tự.
Ứng dụng mô hình CAPM
Trong đầu tư chứng khoán, CAPM vẫn là mô hình được yêu thích mặc dù nó phụ thuộc quá nhiều vào các giả định. Về ý nghĩ, mô hình CAPM này đóng vai trò quan trọng trong định giá tài sản và mô hình tài chính.
Khi tiến hành phân tích một tài sản cụ thể, nhà đầu tư sẽ sử dụng chi phí vốn bình quân gia quyền (WACC) để xác định giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai. Thực tế, kết quả tính của CAPM sẽ được sử dụng như là chi phí vốn chủ sở hữu trong phương trình tính WACC. Từ đó xác định được giá trị nội tại của cổ phiếu, nếu:
- Giá trị đang giao dịch trên thị trường thấp hơn giá trị nội tại, nhà đầu tư nên mua vào.
- Giá trị giao dịch cao hơn thì nên bán ra để kiếm lời.
Ngoài ra, CAPM còn được ứng dụng để:
- Ước tính, xác định mức lợi nhuận kỳ vọng của khoản đầu tư.
- Đánh giá được hiệu quả của danh mục đầu tư hiện tại.
- Giúp nhà đầu tư ra các quyết định mua/bán hoặc giữ tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, …
- Điều chỉnh, thay đổi, xây dựng một danh mục đầu tư hiệu quả.
CAPM là mô hình định giá được sử dụng rộng rãi, kết hợp hoàn hảo với các phương pháp phân tích khác để đánh giá chứng khoán, từ đó đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt hơn. Ngoài ra, để áp dụng CAPM hiệu quả, bạn cần dành nhiều thời gian để học và luyện tập, có thêm kinh nghiệm để khai thác tốt công cụ này.
Trên đây là những thông tin quan trọng về mô hình CAPM cùng với công thức tính cụ thể. Finhay hy vọng các kiến thức này sẽ giúp ích cho quá trình đầu tư của bạn. Đừng quên theo dõi nhiều bài đọc về thị trường chứng khoán để tự tin và gặt được nhiều thành công khi tham gia thị trường.
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu